Những bức ảnh công trường xây dựng và ngày khánh thành cầu Rồng, được chụp vào giai đoạn tháng 3/2013.
Lễ thông xe được diễn ra vào sáng ngày 29/03/2013 với sự tham dự của đại diện thành phố, Bộ GTVT, TW và các nhà thầu... Ngay sau buổi lễ, Rồng thép trên cầu Rồng được vận hành để phun lửa và phun mưa, thu hút sự quan tâm của báo chí và người dân. Những chuyến xe đầu tiên bắt đầu được phép lăn bánh trên cầu Rồng.
Ngay sau đó, đoàn đại biểu tham dự lễ khánh thành cầu Rồng di chuyển về phía cầu Trần Thị Lý (mới) để dự lễ thông xe cây cầu này, vào buổi sáng cùng ngày. Khi cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (mới) được đưa vào hoạt động, hoạt động lưu thông trên cầu Nguyễn Văn Trỗi (cây cầu lâu đời nhất trên dòng sông Hàn, sát cạnh cầu Trần Thị Lý (mới)) bị tạm dừng.
Cầu Rồng được khởi công xây dựng năm 2009, khánh thành năm 2013, tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng. Cây cầu này có chiều dài 666m, gồm 5 nhịp chính, 3 nhịp dẫn, chiều rộng 37,5m với 6 làn xe và 2 làn dành cho người đi bộ.
Rồng thép trên cầu Rồng được thiết kế theo dáng hình con rồng thời Lý, vươn mình ra biển lớn, với đuôi rồng có biểu tượng hoa sen. Riêng phần đầu Rồng có trọng lượng 194,1 tấn; phần thân dài 530m, nặng 8.405,1 tấn; phần đuôi rồng dài 19,37m, nặng 183,9 tấn và phần vảy rồng nặng 118,9 tấn...
Thời khắc khánh thành cầu Rồng thật sự rất ý nghĩa với người dân Đà Nẵng. Cây cầu này được kỳ vọng sẽ trở thành một biểu tượng mới, thu hút du lịch, cải thiện tình hình giao thông tại thành phố biển. Hiện nay, hình ảnh cầu Rồng được nhìn thấy phổ biến trên các phương tiện truyền thông, quảng bá du lịch Đà Nẵng.
|
Vào sáng sớm ngày 29/03/2013, đài truyền hình VTV phỏng vấn nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng - tác giả thiết kế hình tượng Rồng thép trên cầu Rồng. Ảnh: Khoi Studio. |
|
Người dân ngắm bình minh lên trên sông Hàn, ít giờ trước lễ thông xe cầu Rồng. Ảnh: Khoi Studio. |
|
Học sinh một trường cấp ba ở Đà Nẵng có mặt từ sáng sớm để dự lễ khánh thành cầu Rồng. Ảnh: Khoi Studio. |
|
Khu vực bồn binh phía Tây cầu Rồng được quét dọn, xịt nước rửa đường trước giờ khánh thành. Ảnh: Khoi Studio. |
|
Người dân tập thể dục bên bờ sông Hàn. Ảnh: Khoi Studio. |
|
Lễ khánh thành cầu Rồng được tổ chức tại bãi đất trống ở phía Đông Cầu Rồng, hiện nay là khu vực chợ đêm Sơn Trà. Ảnh: Khoi Studio.
|
|
Các bộ phận để lắp ráp, hình thành nên phần đầu, đuôi và thân Rồng được thiết kế và hoàn thiện ở khu vực xưởng riêng. Vào đêm khuya, người dân ở khu vực cầu Tiên Sơn, Ngô Quyền và Bạch Đằng có thể nhìn thấy đoàn xe chở các bộ phận của cầu Rồng di chuyển chậm chạp trên đường đến công trình. Ảnh: Khoi Studio. |
|
Cận cảnh vòm sắt trên cầu Rồng. Ảnh: Khoi Studio. |
|
Công trường xây dựng cầu Rồng trước ngày khánh thành. Ảnh: Khoi Studio. |
|
Từ ngày 29/03/2013, Đà Nẵng cùng lúc có thêm hai cây cầu biểu tượng mới, bắc qua dòng sông Hàn. Kể từ khi khánh thành cho đến 10 năm sau, sức hút từ vẻ đẹp và sự tiện lợi trong giao thông của cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý vẫn chưa thuyên giảm. Hai cây cầu này thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông khi nói đến du lịch Đà Nẵng. Ảnh được Khoi Studio chụp từ khách sạn Green Plaza Đà Nẵng (Flycam chưa phổ biến vào giai đoạn này). |
|
Cầu Rồng được vận hành để phun nước, phun lửa vào 21h tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Sự kiện này đã thu hút người dân Đà Nẵng và địa phương lân cận theo dõi suốt một thời gian dài. Ảnh: Khoi Studio.
|
|
Hệ thống chiếu sáng cầu Rồng có thể thay đổi màu liên tục. Ảnh: Khoi Studio. |
|
Khu vực đầu cầu Rồng (phía Đông) có hai cầu thang bộ, được xây dựng ở hai bên thành cầu, để du khách di chuyển xuống bờ sông Hàn một cách nhanh chóng. Khu vực đuôi cầu Rồng (phía Tây) có hầm chui để người đi bộ băng ngang qua cầu thuận tiện. |
|
Đà Nẵng tổ chức thông xe cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý (mới) và khai trương tuyến cáp treo thác Tóc Tiên - Indochine trong cùng ngày 29/03/2013. Ảnh: Khoi Studio. |